Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
Wednesday, 24 July 2013

Sau ngày gẫy súng

Posted: 24/07/2013 

linh_vnch_4
- Đang nhớ nhung ai mà như kẻ mất hồn vậy? Bạn bè đứng trước mặt cả mấy phút đồng hồ mà cũng chẳng thèm để ý?
Vượng quay lên thấy Hùng đang làm mặt khỉ. Vượng siết chặt tay Hùng,
- Bao nhiêu năm nay mày biến đi đâu mất mặt mất mày, Mai, Lan, Hồng, Cúc kiếm mày khắp nơi lại còn đăng báo “Tìm trẻ lạc” nữa.
- Cái thằng này bố láo. Từ ngày còn mài đũng quần ở ghế nhà trường tao đã mang danh là “Người con trai trời bắt xấu” chẳng có ma nào thèm ngó cả thì làm gì có những cái tên hoa lá cành đó kiếm cơ chứ. Kể từ ngày “Lũ chúng ta bạn bè dăm ba đứa” tan hoang, thằng mây trời tung cánh sắt, thằng giang hô cùng biển cả mênh mông; mày lắp cánh phượng hoàng trên vùng “phố núi mờ sương” chẳng còn dịp nào họp lại.
Vượng mơ màng hồi tưởng về một thời quá khứ thư sinh đầy mộng mơ,
- Ngày tụi tao “xếp bút nghiên theo việc kiếm cung” mày còn nán lại lo “dùi mài kinh sử” rồi bỗng mày cũng mất hút luôn. Lần nào về thành phố tao cũng kiếm mày nhưng chẳng đứa nào biết. Cuối cùng “Hồng tóc dài” cho tao biết mày đã tình nguyện “lên phơi nắng” trên Thủ Đức. Chấm hết!
- Ừ, tụi mày bỏ đi hết trơn nên tao cũng giã từ đời sinh viên đi vác súng ắc ê theo tụi mày. Khi ra trường tao tình nguyện về Thủy Quân Lục Chiến, theo đơn vị ra tuốt miền Trung đâu có dịp nào về Sàigòn. Di chuyển xoành xoạch hết cao nguyên lại lội nước phèn vùng bốn, rồi lại trở ra miền Trung chịu cơn gió Lào nóng như hỏa diệm sơn mùa hè và cái lạnh cắt da lúc đông về. Đôi lúc ngồi nhớ tụi mày, nhưng đời lính tráng có lúc nào rảnh rang để tìm kiếm bạn bè.
- Tao tưởng mày bị các nàng bắt cóc nhốt vào cung cấm rồi đấy chứ.
- Được như mày nghĩ cũng đỡ tủi cho thân phận hẩm hiu của tao.
Vừa lúc đó một người con gái bước thẳng đến bàn của hai người. Vượng đứng lên kéo ghế cho cô ta ngồi xuống. Hùng lừ mắt nhìn trong lúc Vượng tỉnh bơ coi như không có chuyên gì xảy ra, chỉ cô gái giới thiệu với Hùng:
- Tường Vy, em gái tao. Còn đây là Hùng bạn anh., Vượng nheo mắt cười  tiếp
- Tao biết trong cái đầu đầy sạn của mày đang nghĩ gì. Quay qua Tường Vy Vượng bô bô: Anh Hùng học cùng lớp với anh hồi xưa, nhiều năm rồi bây giờ mới gặp lại. Còn đây là Tường Vy con ông chú tao, mày nghe rõ chưa?
Hùng vớt vát,
- Cô Tường Vy có ông anh đào hoa lắm. Khi còn đi học bao nhiêu cô gái học cùng trường ông anh của cô đều gom ráo.
- Em thấy cái thằng Hùng này thật tệ, bạn bè thất tán bao nhiêu năm bây giờ mới gặp lại mà cứ nói xấu anh hoài.
- Anh Hùng nói anh có nhiều bạn gái là nói tốt cho anh chứ sao anh lại bảo là xấu. Em cứ nghe bác gái than “Cái thằng anh cháu đào địch tùm lum mà chẳng chịu cưới vợ để bác có cháu bế” là gì. Tường Vy xen vào.
- Á à, cái cô em gái này lại theo phe thằng Hùng tấn công cả ông anh nữa đây. Hùng ơi mày chuẩn bị đổi cách xưng hô với tao đi là vừa…
Tường Vy mặt đỏ tía tai chữa thẹn,
- Ơ…ơ, cái anh Vượng này!
- Tao đã sẵn sàng gọi mày là anh rồi, nhưng không biết Tường Vy có chịu không thôi… Tường Vy càng luống cuống, bẽn lẽn
- Em không nói chuyện với các anh nữa đâu, các anh về phe với nhau chọc em hoài à. Em về méc bác cho mà xem…
Vượng cũng chẳng vừa,
- Thì mẹ em đã chẳng nói với anh là “Vượng ơi, cháu kiếm chồng cho em Tường Vy giùm thím đi, con gái lớn rồi mà lúc nào cũng nhõng nhẽo với mẹ như còn nhỏ lắm vậy” là gì. Anh thấy thằng Hùng này khá nhất trong số bạn bè thân của anh đấy. Nó học giỏi này, thơ phú giống em này; Hùng lại là thằng hiền từ nhất trong đám bạn của anh này. Nhưng có một tật xấu là mỗi lần gặp nhau có bao nhiêu rượu một mình nó tu sạch.
Tường Vy ngó trộm Hùng ra chiều bẽn lẽn. Thấy vậy Vượng lại lại chọc cô em gái tiếp.
- Tao thấy hai đứa chịu đèn rồi. Bây giờ tao phải đi có chút chuyện, chiều nay ghé tao. Tao giao em gái tao cho mày đấy, nhà Tường Vy cũng ở sát vách với nhà tao.
- Như vậy Tường Vy là cái cô bé hồi xưa suốt ngày sang vòi kẹo mày đấy à.
Vượng cười ha hả như xung quanh không còn ai,
- Chứ còn ai nữa, mày không nhận ra là vì hồi đó trong gia đình thường gọi Tường Vy là “Bé Sún!” Mỗi lần mày tới nhà tao Tường Vy mắc cỡ không dám vào mè nheo, cứ đứng lấp ló ngoài cửa thôi.
Tường Vy nguýt Vượng, phụng phịu giận dỗi.
Hùng dơ nắm đấm dứ dứ Vượng,
- Cái thằng Vượng này tệ thật đấy, có mỗi cô em gái xinh đẹp như thế này mà tối ngày nói xấu. Mày không thấy mỗi lần Tường Vy cười lại phô diễn hàm răng trắng muốt, đều đặn như như những hạt bắp nếp thế này mà gọi là “Bé Sún” mày thật đáng phạt một trăm cái nhảy xổm cho biết thế nào là lễ độ.
Tường Vy được khen giấu nụ cười e lệ.
- Thôi được, bây giờ mày cứ bênh Tường Vy chằm chặp tao chịu thua. “Hai đánh một không chột cũng què” ông bà ta chẳng ngôn như vậy là gì. Chiều nay nhớ đưa em gái tao về nhà là được. Mày mà làm gì để em tao buồn là coi chừng tao.
- Mày yên tâm, không có thằng con trai cù lần nào lại để cho một cô gái đẹp như Tường Vy giận và buồn cả đâu, đừng có “lo con bò trắng răng!”
Vượng biến vào trong đám đông, còn lại hai người. Tường Vy có vẻ e lệ tránh tia nhìn của Hùng. Tường Vy không có vẻ đẹp lồ lộ của phấn son, nhưng thật duyên dáng với mái tóc dài óng mượt, gương mặt thanh tú với chiếc mũi xinh xắn và đôi môi mời gọi nụ hôn. Nhất là chiếc áo dài mầu hoàng yến Tường Vy đang mặc càng tăng thêm vẻ đẹp dịu dàng của một cô gái đương thì xuân sắc. Hùng thích nhất là những tà áo dài có mầu sắc nhẹ nhàng. Gặp một cô gái sắc nước hương trời mà không được trang điểm bằng tà áo dài với Hùng đã giảm mất phân nửa sắc đẹp trời cho.
- Tường Vy còn đi học không? Hùng lên tiếng hỏi,
- Dạ em đang học bên văn khoa. Bố mẹ em muốn em học dược, nhưng em không thích ngành dược, vả lại em ngại học không nổi. Bố mẹ em cứ chê em học lười hoài à.
- Lúc đầu anh cũng mê văn khoa lắm, nhưng cuối cùng anh lại chui vào trường luật.
- Sao anh không tiếp tục học mà lại bỏ đi lính vậy?
- “Chữ nghĩa ích gì cho buổi ấy” Bạn bè bỏ đi hết cả, anh chẳng còn tâm trí nào tiếp tục đến trường lớp nữa. Mới đầu anh tình nguyện vào Không Quân, nhưng cũng tại số kiếp mình không bay bổng được nên cuối cùng vào Thủ Đức. Ra trường anh tình nguyện về Thủy Quân Lục Chiến, binh chủng tạo cho anh những cuộc di chuyển theo sở thích của anh. Mục đích để tránh cuộc sống đều đều buồn tẻ, chôn chân ở một nơi.
Sau lần gặp gỡ đó là những cách xa với những lá thư tới tấp trao nhau chuyên chở theo một cuộc tình nặng nề những nhớ thương. Cuộc sống của một người lính chợt đến chợt đi nên Hùng chưa một lần nghĩ đến việc hò hẹn cười xin. Tình yêu vẫn lớn dần theo tháng năm chờ đợi và cách xa. Những lá thư như con thoi mà cả hai đều mỏi mòn chờ đợi.  Những lần về hậu cứ dưỡng quân là những ngày hạnh phúc của đôi tình nhân. Hùng thường vội vã đến đón Tường Vy ngay cổng trường văn khoa với bộ đồ bông còn vương bụi chiến trường lửa đạn. đi bên nhau, đếm bước trên những con đường thật vắng, có những tàng cây vươn dài bóng mát. Những nụ hôn trao nhau vội vã để rồi lại cùng đếm những ngày xa nhau hun hút!
Cả hai dự định sẽ “ký giao kèo” sống với nhau trọn kiếp sau khi Tường Vy tốt nghiệp. Lúc đó Hùng cũng sẽ xin về phục vụ ở một đơn vị chuyên môn vì anh có dư điều kiện sau những lần bị thương. Hùng không chịu nổi cuộc sống bình lặng của một người lính văn phòng vì anh thương đồng đội, thương bạn bè chưa nỡ rời xa họ.
Nhưng số mệnh đã không mỉm cười với hạnh phúc mong ước. Ngày tháng tư đen đã cướp mất tất cả những toan tính tương lai của hai người. Khi Hùng theo đơn vị từ miền Trung về thì căn nhà Tường Vy trống trơn, cả căn nhà của Vũ kế bên cũng chẳng còn bóng người.
Trong lúc cùng mấy người bạn tìm đường bỏ nước ra đi thì cả bọn bị tóm khi đang ngồi uống “cà phê bí tất” hàng me trên đường Gia Long. Mấy tên nón cối chĩa AK bắt giơ tay lên rồi trói quặt hai tay phía sau dẫn cả bọn đi.
Điều đau đớn nhất là khi bị giải về “ban quân quản” quận 1 lại phải đối mặt với một tên học cùng lớp ngày xưa, nhưng bấy giờ đội nón cối! Cũng may tên này không nhận ra Hùng sau khá nhiều năm không gặp. Nó hất hàm hỏi?
- Tại sao không tới trình diện “chính quyền cách mạng” ?
- Tôi lo đi kiếm gia đình bị thất lạc nên có biết gì đâu. Ừ mà sao lại phải đi trình diện? Hùng khinh khỉnh trả lời.
- Tất cả “Ngụy quân ngụy quyền” đều phải tới trình diện để được “cách mạng” dạy dỗ để trở thành người công dân lương thiện!
Nghe tên này sổ ra những câu chối tai Hùng dợm nhảy đến cho nó một đạp nếu tên bạn đứng cạnh không kịp kéo lại.
- Chữ ngụy xin trả lại cho các anh. Chúng tôi là những công dân lương thiện. Chúng tôi là những người lính trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ làm điều gì phi pháp để mất quyền công dân cả.
Gã dương cặp mắt thù hằn, như muốn ăn tươi nuốt sống bọn Hùng.
- Các anh theo đế quốc Mỹ, dùng súng đế quốc bắn giết nhân dân; bây giờ còn ngang bướng hả?
Tuấn “Cọp ba đầu rằn” tức khí lên tiếng:
- Anh nói sai rồi, chúng tôi chỉ cầm súng chống lại bọn người đêm đêm lén lút về thôn làng để sách nhiễu những người dân lương thiện. Chúng tôi chống lại những người pháo kích đặt mìn để giết hại đồng bào, bảo vệ cho họ có cuộc sống an lành. Chúng tôi từ dân mà ra, thì làm sao chúng tôi chống lại chính chúng tôi?
- Các anh là kẻ thắng, các anh có thể đem chúng tôi ra bắn giết hay tùng sẻo như thế nào cũng được, nhưng các anh không có quyền nhục mạ chúng tôi. Nguyện “Nhảy Dù sát” chen vào.
Thấy không áp đảo được bọn Hùng nên gã ra lệnh cho đàn em:
- Các đồng chí đem tụi cứng đầu này nhốt lại để nhân dân “xử lý”
Tiếp theo là những tháng năm dài bị đày đọa trong các trại tù khổ sai của cộng sản dọc theo vùng biên giới ma thiêng nước độc. Mục đích của chúng là giết lần mòn những người cùng tổ tiên, cùng giòng máu đỏ da vàng bằng đói khát và bệnh tật ở những xó rừng hóc núi. Chúng trả thù những người lính Quốc Gia một cách hèn hạ và tàn độc bằng cách bỏ đói, hành hạ tinh thần của những người thua cuộc bằng những đêm “học tập chính trị, phê và tự phê” Chúng gom tất cả quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa vào các nhà tù nhưng dùng mỹ từ là “Trại học tập cải tạo!” để che đậy dã tâm của chúng.
Hùng không thể nào quên tiếng la hét vì cái lạnh cắt da thịt trong vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn khi một số anh em bị đày đọa vì trốn trại bị bắt lại. Chúng đào một cái hố vào vách núi vừa lọt thân mình của một người rồi nhốt vào trong đó, trong khi trên người chỉ có độc nhất cái quần rách nát, dính bê bết máu sau những trận đòn thù! Đây chính là một cái “quan tài sống!” Đêm đêm của núi rừng miền Bắc lạnh đến nỗi nước suối đóng băng, lại bị bỏ đói làm sao con người có thể chịu đựng được. Anh em đã bị bọn cộng sản độc ác hành hạ, cuối cùng siết cổ giết chết để thỏa mãn hận thù! Biết bao nhiêu anh em đã gửi lại nắm xương tàn trong vùng núi rừng âm u miền biên giới Việt Trung mà những uất ức mãi chưa tan!
Cuối cùng Hùng cũng được thả ra vì bọn cộng sản không muốn nuôi tốn cơm một con người quanh năm bệnh hoạn “không làm ra của cải vật chất” cho chúng nữa. Các bạn bè khi nghe tên Hùng được thả đều tỏ dấu vui mừng, nhưng Hùng lại dửng dưng trước chuyện “ở hay về!”
Hùng mang tâm trạng của một người mất hoàn toàn hy vọng ở tương lai! Mười năm trong nhà tù cộng sản từ Nam bị đày ra rừng núi miền Bắc, rồi lại về Nam. Hùng không có một chút tin tức gì của gia đình và của Tường Vy, người con gái anh yêu. Bước ra khỏi cổng nhà tù để không có một nơi chốn trở về! Một chút nôn nao trong lòng vì sắp được thoát khỏi gông cùm đọa đày, nhưng cũng nhiều tiếc nuối vì phải xa những người bạn đã bao năm chia sẻ cho nhau những ân tình. Hùng thay bộ quần áo của mười năm trước ngày bị bắt, bộ quần áo hồi xưa thật vừa vặn nhưng bây giờ khá rộng. Hùng phải lấy sợi giây túm mấy cái đai quần lại vì e nó tuột bất tử!
Hùng lầm lũi bước qua cánh cổng nhà tù trong cái nắng gay gắt của mùa hè miền Nam. Hai bên con đường đất dẫn ra ngoài quốc lộ I là những vườn bắp ngả nghiêng theo gió, những vườn bắp mà những người tù đã đổ biết bao mồ hôi trong những ngày lao động nhọc nhằn giữa nắng táp mưa giông. Cũng chính những vườn bắp này đã nhiều lần Hùng trốn vào trong để gặm những trái bắp sống, tọng cho đầy cái bao tử lúc nào cũng lép xẹp!
Một lần Hùng thoát chết nhờ chiếc quần vá chùm vá đụp. Hùng nhảy qua con mương nhỏ sang vườn bắp kế cận. Hùng cảm thấy chân phải nặng chĩu, chợt nhận ra một thân rắn quấn quanh ống chân! Sau môt thoáng luống cuống Hùng chụp ngay nơi cổ rắn. Hùng sợ toát mồ môi vì con rắn hổ mổ vào chân lúc anh nhảy qua đường mương, nhưng nhờ ống quần vá dầy quá nên cặp răng nó dính vào đó. Hùng đã thoát chết trong đường tơ kẻ tóc nhờ cái quần vá! Con rắn hổ khá lớn đủ một nồi cháo đậu xanh cho cả nhóm trong buổi sáng chủ nhật.
Chiếc xe đò khục khặc ngừng lại bên lề đường ở ngã ba Ông Đồn đón thêm ba người khách mới rời nhà tù cộng sản. Chiếc xe rú lên một cách mệt mỏi với những cục than còn cháy đỏ rơi trên đường. Bụi than từ cái thủng phía sau xe hòa với khói bay mù mịt. Ngọn núi Chứa Chan lùi dần về phía sau rồi mất hút đàng sau những vườn trái cây hai bên đường.
Cho đến giờ phút ấy Hùng cũng chưa biết phải về tá túc ở đâu. Địa chỉ trên giấy thả là nhà bà chị ở cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh, nhưng Hùng không biết gia đình người chị còn ở đó không nữa. Đầu năm, trước khi được thả về Tuấn “Cọp ba đầu rằn” cho địa chỉ và nhắn nếu không có chỗ nào tá túc thì cứ lại nhà nó. Thời buổi gạo châu củi quế này làm sao ăn nhờ ở đậu được trong lúc không có mộ xu dính túi!
Căn nhà của bà chị họ con ông bác ở Thanh Đa đã đổi chủ! Người mở cửa tiếp Hùng là một người đàn bà khoảng trên ba mươi tuổi.
- Thưa ông cần kiếm ai ạ? Giọng nói khá nặng, Hùng đoán bà ta dân Huế hay vùng xứ Quảng ngoài miền Trung.
- Thưa bà, tôi kiếm chị tôi. Hồi trước chị tôi ở căn nhà này không biết bây giờ dọn đi đâu rồi.
- Ông hỏi nhà chị Bạch phải không?
- Vâng, bà biết bây giờ chị tôi ở đâu không, bà làm ơn chỉ giùm.
Người phụ nữ đảo mắt nhìn quanh, nói nhỏ với Hùng,
- Chị ấy đã cùng gia đình vượt biên cách nay cũng cả hai năm rồi, nghe nói chị đã được Mỹ nhận cho định cư. Phường tịch thu căn nhà này và cấp cho chúng tôi ở tạm. Vợ chồng chúng tôi dạy cùng trường với chị Bạch. Tôi với chị Bạch rất thân với nhau, chị nói chị có một người em học tập cải tạo. Tôi đoán ông là em chị ấy.
- Vâng bà đoán đúng, tôi là Hùng em chú bác với chị Bạch. Tôi mới rời nhà tù cộng sản sáng nay.
Người phụ nữ có vẻ không để ý đến câu trả lời của Hùng, giọng buồn buồn,
- Ba tôi cũng là một người lính Việt Nam Cộng Hòa như các ông, nhưng ba tôi đã tử trận trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971, lúc đó tôi còn đang học năm cuối cùng Trung Học. Chị Bạch có tâm sự với tôi rất nhiều về ông. Thỉnh thoảng chị có liên lạc với tôi và cho biết thế nào cũng có một ngày ông về đây. Chị có gửi tôi một số tiền để chuyển lại cho ông khi ông được ra khỏi nhà tù. Tôi xin lỗi vì đã dùng nhóm chữ “học tập cải tạo” lúc đầu.
Người phụ nữ mời Hùng vào nhà và chuyển số tiền của chị Bạch gửi lại, giọng buồn buồn nói với Hùng:
- Rất tiếc là tôi không giúp thêm được gì cho ông. Trong gói tiền này tôi đã ghi sẵn địa chỉ của chị Bạch để ông có thể liên lạc. Tạm thời ông có thể dùng địa chỉ ở đây, nhưng cứ dùng tên tôi để gừi đi để tránh bị nghi ngờ. Tôi biết ông chưa có một chỗ trú ngụ nhất định. Nếu cần gì trong khả năng của tôi ông cứ cho tôi biết.
- Cám ơn bà rất nhiều về sự giúp đỡ quý báu này. Từ lúc tới giờ chúng ta xưng hô có vẻ xa lạ quá. Tôi là kẻ mang ơn bà nhưng cũng xin đề nghị chúng ta đổi cách xưng hô cho những lần gặp tới cho tự nhiên hơn.
- Vâng, tôi ít tuổi hơn anh cứ gọi tôi là cô cũng được. Tôi mới lập gia đình mấy năm nhưng chưa có cháu nào cả. Tên tôi là Tịnh Tâm.
- Cám ơn Tịnh Tâm nhiều lắm. Trong lúc đang bơ vơ, lại nhận được sự giúp đỡ của cô thật là quý báu. Sau khi ổn định chỗ ở thế nào tôi cũng phải đến thăm cô và ông xã.
Hùng cảm thấy vững bụng vì trong túi ðã có một số tiền, chắc cũng khá nhiều vì gói tiến khá lớn. Hùng vội đón xe lên khu Ngã Ba Ông Tạ để kiếm Tuấn. Vừa bước xuống xe Tuấn đã lôi tuột Hùng vào trong nhà mừng rỡ,
- Mày về vừa đúng lúc. Tụi tao đang chuẩn bị để “đánh” một chuyến. Mày có muốn tham dự không?
- Tao mới bước chân ra khỏi nhà tù chưa được 24 giờ, tiền bạc đâu mà đánh với đấm. Bắt buộc là phải tìm đường xéo càng sớm càng tốt rồi, nhưng mày biết hoàn cảnh của tao bây giờ mà, tao đào đâu ra “cây cối” để chung. Nhưng tình hình này nếu ở lại trước sau gì tao cũng bị tụi chó chết cho vào rọ nữa thôi.
- Mày yên tâm, toàn người trong gia đình thôi. Tao sẽ dàn sếp dành cho mày một chỗ, tiền nong hạ hồi phân giải.
Hùng không ngờ mình gặp may mắn đến thế. Vừa bước chân ra khỏi nhà tù đã được bà chị gửi sẵn cho một số tiền, bây giờ bạn bè lại cho đi vượt biên. Điều ấp ủ bấy lâu nay của Hùng là thoát khỏi đất nước đầy lòng hận thù này. Những tháng năm dài nghiệt ngã trong tù Hùng nghĩ bằng mọi cách phải thoát khỏi bàn tay kìm kẹp của bọn mọi rợ này. Trong khi còn ở tù ngoài miền Bắc chị Bạch đã báo cho Hùng là Mẹ và gia đình người anh đã thoát đi kịp trong những ngày dầu sôi lửa bỏng của quê hương. Hùng cũng được tin gia đình Tường Vy đã được Vũ đưa xuống tàu gửi cho một người bạn bên Hải Quân. Nhưng Vũ ở lại vì không thể bỏ đơn vị có những chiến hữu đã từng sống chết bên nhau. Vượng cũng đã được thả ra cùng một đợt với Tuần. Sau một chuyến ra khơi thất bại, chút nữa trở vào trại tù đếm rệp. Chuyến thứ hai may mắn hơn đã đưa Vũ đến miền đất tự do.
Hùng không hy vọng sự chờ đợi của Tường Vy, thời gian đã quá dài cho sự chờ đợi của một người tình. Tuy buồn nhưng Hùng vẫn cầu mong cho người yêu có hạnh phúc. Hùng hy vọng gặp lại người Mẹ thân yêu mà trong đời của chưa một lần làm được bất cứ điều gì gọi là báo hiếu.
Trước khi đánh một canh bạc vượt thoát, những ngày cuối Hùng đã lang thang hết những con đường in dấu chân người tình một thủa, những con đường còn vương đầy kỷ niệm tình yêu. Hùng nhớ bàn tay Tường Vy da diết, bàn tay có những ngón thon dài trắng muốt mà một lần anh đã tròng vào ngón tay của nàng chiếc nhẫn đan bằng những cọng cỏ bên đường. Hùng đã thầm thì bên tai người yêu:
- Chiếc nhẫn này anh đan bằng cọng cỏ nhưng là chiếc nhẫn không bao giờ hao mòn vì anh đã ký thác trọn vẹn tình yêu của anh dành cho em.
Tường Vy sung sướng nép mình trong vòng tay anh,
- Tình yêu em dành cho anh cũng chẳng bao giờ thay đổi. Em nguyện sẽ là của anh suốt đời dù có trải qua bao nhiêu gian truân thì mãi mãi em vẫn chỉ yêu anh.
Hùng cũng tìm thấy gốc cây sao năm xưa hai người đã nắm tay nhau khắc hai chữ đầu tên của hai người trên đó. Đã hơn mười năm trôi qua, theo thời gian cây lá cũng đã cằn cỗi như con người. Hùng bồi hồi nhớ lại những giọt nước mắt hạnh phúc của Tường Vy khi đặt trên đôi môi run run của người yêu nụ hôn đầu tiên của cuộc tình và uống cạn giòng nước mắt trên má nàng chiều hôm đó.
Hùng thì thầm gọi tên người yêu trong nhớ thương: “Đã hơn mười năm xa cách, bây giờ em thất lạc nơi đâu, em có còn nhớ lời ước hẹn năm xưa hay không?” Hùng mong cho người yêu có hạnh phúc, nhưng điều mong ước này lại làm nhói đau trong tim Hùng.
Trong không khí mát mẻ buổi sáng ngày thứ bảy tháng 8 năm 1986 Hùng cùng gia đình Vũ đi xe đò ra Vũng Tàu như những người đi tắm biển. Hành trang gọn nhẹ, ngoài bộ quần áo mặc trên người Hùng không mang theo gì ngoài một cái túi sách nhỏ bên hông. Xe ra đến bãi sau Vũng Tàu trời cũng đã xế chiều, Hùng hít đầy buồng phổi ngọn gió biển trong lành. Hùng cảm thấy hơi nôn nao trong cuộc hải hành rủi nhiều lành ít này. Là một người lính với những năm chiến đấu giữa sự sống và cái chết Hùng lấy lại sự bình thản. Mới bước ra khỏi cửa nhà tù, Hùng cảm thấy thật may mắn được Tuấn giúp cho cuộc vượt thoát này.
- Mày cứ bình tĩnh bám theo tao. Hãy nhớ một điều đây là chuyến đi đem mạng sống đổi lấy tự do, không có con đường lui! Tuấn vừa nói vừa cười ra chiều vui vẻ.
- Tao hiểu, mày yên tâm.
Trời đã về chiều, Hùng theo gia đình Tuấn lên một chiếc xe Lam chờ sẵn trên đường. Xe chạy vào thành phố. Sáu người xuống xe vào tiệm mì ngay cuối chợ. Ăn vừa xong tô mì thì có người thanh niên bước vào, ngồi xuống cái ghế trống nói với Tuấn.
- “Giường chiếu bố mẹ em đã dọn sẵn sàng cho gia đình anh chị nghỉ ngơi rồi. Em vào cơ quan làm việc một chút, khi nào xong em sẽ về hầu chuyện với anh chị”
- “Chú Cường ăn tô mì đã hãy đi.” Tuấn lên tiếng mời.
- “Cám ơn anh, em mới ăn hai tô mì hồi chiều no ứ hự. Đâu còn chỗ nào chứa nữa.”
Người thanh niên quay quả bước ra khỏi tiệm. Tuấn nói nhỏ với Hùng:
- Mọi chuyện đã xong, bây giờ về chỗ nghỉ, hai giờ khuya nay mình zulu.
Đêm tối đen như mực, chiếc thuyền nhỏ lặng lẽ luồn lách dưới những tàng cây hướng ra cửa biển. Gia đình Tuấn gồm sáu người và Hùng nằm yên dưới sàn thuyền. Người thanh niên lúc chiều thêm một người nữa đóng vai dân chài. Con thuyền vẫn lặng lẽ rẽ nước tiến tới. Ngọn gió từ biển thổi vào mang theo mùi vị nồng nồng của muối. Khoảng hơn một giờ sau Hùng để ý đến những vệt sáng quét ngang con thuyền, người thanh niên thở phào nhẹ nhỏm:
- “Tất cả mọi chuyện bình yên. Tất cả bình tĩnh lên cá lớn. Cố gắng giữ tuyệt đối im lặng. Giờ phút này một chút sơ hở có thể mất mạng như chơi”
Con thuyền nhỏ ghé sát vào một con thuyền lớn hơn. Trong đêm tối Hùng độ chừng dài khoảng hơn mười thước, bề ngang chỗ rộng nhất khoảng hai thước. Người thanh niên cẩn thận buộc con thuyền nhỏ dưới một bụi cây rậm rạp trước khi lên thuyền lớn. Tất cả nằm bẹp dưới khoang thuyền. “Tất cả mọi người nằm yên dưới đó, chỉ khi nào em gọi mới được bước lên” Người thanh niên ra lệnh ngắn gọn như một viên chỉ huy.
Từ lúc đó Hùng hoàn toàn không biết gì ngoài tiếng máy nổ đều đều và sóng vỗ bên mạn thuyền. Những nắm cơm nhỏ được chuyền tay với những ca nước uống. Tiếng nói của người thanh niên lại vang lên: “Xin tất cả mọi người ăn uống tằn tiện, vì muốn giữ cho an toàn chuyến đi nên không mang nhiều thực phẩm, nhưng đủ cho tất cả trong vòng mười ngày”
Hùng biết con thuyền đang lướt trên mặt biển trong một buổi trưa nắng gắt, những tia nắng lòn qua kẽ hở của ván sàn thuyền rọi xuống. Tất cả nằm bó gối trong khoang thuyền, nóng như một cái lò lửa. Sức nóng càng ngày càng tăng, tìn hiệu báo cho mọi người biết mặt trời đã lên cao, thêm nữa vì số người quá đông nằm trong khoang. Tất cả đều nơm nớp lo lắng nên người nào cũng chỉ ngủ gà ngủ gật. Sự căng thẳng làm cho mỗi người theo đuổi niềm âu lo riêng của mình.
Tiếng người thanh niên reo lên mừng rỡ: “Chúng ta ra tới hải phận quốc tế rồi bà con ơi. Xin mời các thanh niên trai tráng có thể lên boong thuyền cho khỏe một chút, riêng phụ nữ và trẻ em không nên lên trên này vì sóng cũng khá lớn, rất nguy hiểm” Hùng nắm chặt bàn tay Tuấn vừa đưa qua như một dấu hiệu vui mừng.
Một chuyện Hùng không ngờ là trên chuyến vượt biên lại có cả vợ chồng Tịnh Tâm. Hùng lên tới boong thuyền vừa làm vài động tác cho giãn gân cốt sau hai ngày bó gối trong khoang tàu thì Hùng cũng vừa nhận ra Tịnh Tâm bên người đàn ông mà Hùng đoán là chồng của nàng. Tịnh Tâm mừng rỡ hỏi Hùng:
- Anh cũng có mặt trên chuyến này nữa ư. Thật là một cuộc trùng phùng hy hữu. Nàng chỉ Hùng giới thiệu với chồng:
- Đây là anh Hùng em chị Bạch, người cùng dạy một trường với mình mấy năm trước. Chồng Tịnh Tâm cũng vui vẻ siết chặt tay Hùng tự giới thiệu,
- Tôi là Triệu, hân hạnh được gặp anh ở đây.
Tịnh Tâm sôi nổi hỏi Hùng:
- Anh cũng quen anh Tuấn nữa hả? Tuấn là anh họ chồng em. Chúng em đã chuẩn bị chuyến đi này từ ngày anh Tuấn ra khỏi trại tù, nhưng mãi bây giờ mới thực hiện được.
Triệu sen vào,
- Tại anh Tuấn chờ anh Hùng về mới chịu nhổ neo đấy. Tất cả cười với câu khôi hài của Triệu.
- Mày cũng quen thằng em tao à, Tuấn từ phía sau thuyền bước tới hỏi?
Tịnh Tâm kể lại câu chuyện gặp gỡ Hùng tuần trước, nay lại tái ngộ trên con tàu vượt biên này.
Tuấn triết lý còm…
- Đúng là duyên nghiệp! Tại sao bà chị thằng Hùng lại gửi gấm tiền bạc cho vợ chồng Triệu mà không là một người khác? Tại sao thằng Hùng lại về vừa kịp lúc để cùng đi trên chuyến vượt biên này? Thật là điều kỳ diệu khó hiểu.
- Tại tụi em được cấp tạm căn nhà của chị Bạch để ở nên chị ấy mới gửi tiền cho anh Hùng vì chị biết thế nào anh Hùng cũng đến tìm chị ở địa chỉ cũ mà. Có thế mà anh Tuấn cũng làm như bí ẩn làm không bằng. Tịnh Tâm xen vào làm tất cả bật cười vui vẻ.
Sau năm ngày thoát đi từ Vũng Tàu, con thuyền vượt biên mong manh nhưng thật may mắn, không gặp một trở ngại nào. Buổi sáng ngày thứ sáu khi mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt biển bao la, người tài công reo lên mừng rỡ:
- “Tôi đã nhìn thấy đất liền rồi quý bạn ơi. Nếu tôi đoán hướng không lầm thì chúng ta đang tiến vào một hòn đảo của Phi Luật Tân.”
Tuấn mừng rỡ chỉ “chàng tài công” giới thiệu với Hoàng:
- Ê Hùng, đây là Quang một Đại Úy Hải Quân phe ta, anh vợ của chú Triệu. Còn đây là Hùng, tên bạn nối khố của tôi từ ngày còn trên ghế nhà trường.
- Cám ơn anh Quang đã cho chúng tôi một chuyến “du ngoạn” tuyệt vời. Thế mà tôi đã chuẩn bị “món ăn chơi để xả láng” với tụi vẹm hay bọn cướp biển rồi đấy chứ.
Hùng móc trong cái túi nhỏ lúc nào cũng đeo kè kè bên hông ra ba trái lựu đạn loại MK3A2 ném xuống biển, quay qua nói với mọi người:
- Tôi đã tính sãn rồi, trường hợp gặp cướp biển hay tàu công an bọn vẹm tôi sẽ rút chốt hai trái lựu đạn một lúc và nhảy sang tảu tụi nó áp đảo để các bạn thảnh thơi ra đi. Sau đó tùy theo tình huống một mình tôi sẽ thí mạng cùi với tụi nó.
Mọi người hiện diện trên boong thuyền đều cảm động với kế hoạch hy sinh bản thân để cứu mọi người của Hùng. Những người lính Việt Nam Cộng Hòa luôn luôn quên cả mạng sống bản thân vì hạnh phúc của mọi người.
- Thằng quỷ này bí mật quá mức, mày nhất định không cho tao chia phần với à? Giọng Tuấn oang oang.
- Mày còn gia đình, tao trần trụi một mình. Kéo mày theo để mày ám quẻ tao như hồi còn đi học sao!
Chiều tối thuyền đã tới gần bờ biển. Quang dùng đèn pin gửi tín hiệu SOS vào bờ, nhưng mãi sáng ngày hôm sau mới có một con tàu của Hải Quân Phi chạy ra. Quang trình bày trên thuyền gồm những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa cùng gia đình trốn chạy cộng sản và xin tỵ nạn.
Viên Sĩ Quan Phi vui vẻ nói:
- Tôi biết trên thuyền này có một Sĩ Quan Hải Quân. Tối hôm qua chúng tôi đã nhận tín hiệu xin cấp cứu. Chúng tôi phải trình lên cấp chỉ huy vì chúng tôi không có quyền tiếp nhận người vượt biên. Trên thuyền này có bao nhiêu người, nếu có vũ khí yêu cầu nạp cho chúng tôi trước khi có thể làm thủ tục lên bờ.
- Vâng đúng vậy. Tôi là Sĩ Quan Hải Quân và chín Sĩ Quan Việt Nam Cộng Hòa, cùng cha mẹ vợ con tổng cộng ba mươi người. Quang trả lời vắn tắt.
- Anh có thể sang tàu chúng tôi đi gặp trực tiếp cấp chỉ huy của chúng tôi để trình bày cho rõ ràng hơn.
Quang leo qua tàu của Hải Quân Phi vào bờ. Khoảng hơn một giờ sau Quang theo tàu hải Quân Phi trở ra với gương mặt hớn hở. Anh vừa nhảy lên thuyền vội báo tin mừng:
- May mắn không ngờ. Sĩ Quan chỉ huy ở căn cứ Hải Quân ở đây là một Đại Tá cùng tu nghiệp với tôi ở Hoa Kỳ năm 1972. Vừa nhìn thấy tôi bước vào văn phòng ông la toáng lên:
- “Coong!” tôi không thể ngờ gặp anh trong hoàn cảnh này. Bây giờ anh cần tôi giúp điều gì nào?
- Điều tôi yêu cầu Đại Tá giúp là tiếp nhận chúng tôi như những người tỵ nạn.
- Cứ gọi tôi là Matel như ngày xưa. Mình là bạn với nhau mà cứ xưng cấp bậc nghe không ổn chút nào.
- Cám ơn Matel đã không quên tình bạn của chúng mình.
- Bây giờ anh theo tàu ra đón tất cả mọi người lên bờ ngay. Tôi nghe nói là có nhiều Sĩ Quan miền Nam trên thuyền vượt biên phải không. Tôi mời tất cả các Sĩ Quan Việt Nam ăn cơm chiều nay với tôi. Riêng những người khác, nhân viên của tôi sẽ săn sóc ở căn nhà khách.
Những ngày đầu bước ra khỏi nhà tù Hùng đã gặp toàn những điều may mắn. Chuyến vượt biên thật nhẹ nhàng tới bến bờ tự do. Đã mười năm nay Hùng mới lại được hít thở bầu không khí tự do, không còn bị tra tấn bởi những tiếng kẻng sáng trưa, chiều tối. Bớt đi những buồn phiền của một tương lai vô định, trong lòng nhen nhúm niềm hy vọng gặp lại Tường Vy, dù rất mong manh.
Đúng sáu tháng sau ngày đặt chân lên đất Phi, lần lượt mọi người đều lên những chuyến bay vào đất Mỹ. Hùng, gia đình Tuấn, vợ chồng Triệu và Tịnh Tâm là toán thư hai rời Phi, tất cả đều tới phi trường Dallas & Ft Worth. Tuấn và Triệu về với gia đình ở Ft Worth, còn chị Bạch của Hoàng định cư ở ngay thành phố Garland.
Hành lý của Hùng đâu có gì ngoài hai bộ quần áo được cơ quan tỵ nạn cấp ở Phi và mớ hồ sơ nhập cảnh. Vừa lúc đó Hùng nghe tiếng chi Bạch vừa vẫy tay vừa gọi: “Hùng, anh chị đang chờ ngoài cửa này!”
Hùng mừng rỡ vội bắt tay tạm biết Tuấn và Triệu hẹn gặp lại sau rồi bước nhanh về phía cửa. Cơn nóng ập vào rát mặt. Chị Bạch với chồng và mấy đứa cháu nhỏ mừng rỡ gặp lại Hùng.
- Sao em đen thui thủi như cột nhà cháy vậy? Chị Bạch cười trong khi nước mắt đã dàn dụa trên má.
Hùng thật cảm động với tình cảm chị dành cho anh. Hùng bắt tay anh rể rồi pha trò:
- May mà em rời trại tỵ nạn sớm đấy. Còn ở lại là em sẽ trở thành dân Phi, cưới thêm cô vợ nữa là xong.
- Em cưới vợ Phi rồi Tường Vy bỏ cho ai đây? Vừa nghe tên người yêu Hùng hỏi dồn dập:
- Chi nói sao? Chị liên lạc được với Tường Vy rồi sao? Chắc cô ấy bây giờ đã mấy con rồi còn gì!
Anh Tấn, chồng chị Bạch sen vào:
- Hùng lại nghĩ xấu cho cô Vy nữa rồi. Cách nay hai tuần anh chị có việc lên thành phố Philadelphia, tình cờ đã gặp cô Tường Vy. Lúc đầu anh chị chưa nhận ra cố ấy. Tường Vy rất mừng vì nhận ra anh chị ngay. Cô ấy vừa khóc vừa hỏi chị của em:
- Anh chị có tin tức gì anh Hùng của em không? Anh nhắc lại câu hỏi của cô ấy để em nghe cho rõ nhá “Anh Hùng của em!”
- Như vậy có nghĩa là…
- Tường Vy rất yêu em, vẫn chờ đợi em; vẫn chung thủy với tình yêu. Khi anh chị báo cho cô ấy biết em đã vượt biên tới Phi, cô ấy mừng khóc tức tưởi giữa phố. Nay mai gì thế nào cô ấy cũng bay xuống đây kiếm em cho mà xem. Lúc đo lại quên luôn cả anh chị và các cháu ấy chứ.
Hùng cảm thấy hạnh phúc dồn dập đến một cách thật bất ngờ. Anh muốn quỳ xuống để cám ơn Trời Phật đã ban cho anh nhiều may mắn như vậy. Một người chị thương em, một người bạn từ khi còn đánh bi đánh đáo vẫn thân thiết và bây giờ là một người tình chung thủy. Giữa cái oi bức của trưa hè phi trường Dallas mà Hùng cảm thấy như đang bay bổng chốn bồng lai. Ngọn gió của vô vàn hạnh phúc, của yêu thương đã làm cho Hùng ngất ngây như đang sống trong mộng!
Biết đứa em đang đón nhận niềm hạnh phúc khi biết được người yêu và nhất là biết được Tường Vy vẫn một lòng chờ đợi, chị Bạch vỗ vai Hùng cười trêu chọc:
- Làm gì mà si tình quá vậy cậu em của chị. Trời Phật đã đền bù cho em sau những ngày long đong đấy. Phải thật ngoan để đem hạnh phúc đến cho Tường Vy. Quả thực chị cũng phải bái phục lòng trung trinh của cô ta. Bao nhiêu năm trời sống trong hoàn cảnh xã hội đầy cám dỗ, nhưng cô ấy vẫn một lòng chờ đợi và dành trọn vẹn tình yêu cho em, chị thấy trên đời này khó có người như vậy lắm.
- Bước ra khỏi nhà tù em đã nhận được tình thường của anh chị dành cho em. Điều may mắn đến tiếp theo là Tuấn đồng ý cho em vượt biên theo trong lúc em không có một đồng. Bây giờ…Hùng đã dưng dưng nước mắt nghẹn ngào không nói tiếp được.
- Thôi bây giờ mình ra xe nào, cứ đứng ở đây mà tâm sự không chừng phi trường bị “lụt’ bởi nước mắt của hai chị em bây giờ. Tấn vui vẻ pha trò.
- Ừ thôi bây giờ ra xe đi, trời mùa này nóng quá. Cháu Tuyết đang mong gặp cậu Hùng đấy. Hôm nay cháu nhất định ở nhà trổ tài nấu nướng đãi cậu Hùng những món mà cậu Hùng thích. Con nhỏ cứ nhắc đến cậu Hùng cả ngày. Hồi trước lúc nào cậu cũng chiều nó. Mỗi lần về đến nhà là hai cậu cháu dẫn nhau biến mất. Ai đời dẫn đào đi chơi mà cứ giắt đứa cháu kè kè bên cạnh bao giờ!
- Tuyết bây giờ lớn lắm rồi phải không chị? Gặp cháu ngoài đường chắc em chẳng nhận ra nổi nữa.
- Nó đang học ngành y, mới năm thứ hai. Đi học thì thôi, về đến nhà cứ quấn quit bên mẹ, líu lo như con khướu suốt ngày.
- Cháu còn nói được tiếng Việt không chị?
- Chẳng những nói mà bây giờ cháu còn viết văn làm thơ nữa đấy. Cậu cháu giống nhau y hệt. Cũng may khi xuống tàu chạy cộng sản theo bố Tuyết cũng đã hơn mười tuổi rồi. Cũng may có nó cầm chân không thì anh của em chắc đã có phòng nhì phòng ba mất tiêu rồi còn gì. Chị với hai cháu nhỏ mới được anh bảo lãnh sang cách nay hai năm. Chị biết là khi về thế nào em cũng ghé chị nên mới gửi lại một số tiền nhờ Tịnh Tâm trao lại cho em. Không ngờ lại có sự trùng hợp là Tinh Tâm cũng cùng em trên một chuyến vượt biên này.
Vừa lúc đó xe đã chạy vào garage. Tuyết vừa mở cửa garage ra đã nhảy lại ôm chầm lấy Hùng cũng vừa bước xuống, khóc nức nở làm Hùng cũng quá cảm động không cầm nỗi nước mắt!
- Đấy, Hùng thấy đúng như chị nói không? Không biết nước mắt ở đâu mà lắm thế. Mỗi lần chị phiền trách cái gì một tí là nó lại chạy biến vào phòng khóc ngon lành.
Tuyết giẫy nẩy nhõng nhẽo với mẹ
- Mẹ cứ nói xấu con không à! Bố ơi, bố chuẩn bị gọi 911 đi là vừa… Con sơ cậu Hùng sỉu bất tử quá đi.
- Cái con bé này, làm cái gì mà bí mật quá vậy. Con quên cậu Hùng là lính Thủy Quân Lục Chiến à?
- Lính gì cũng vậy thôi, dù cậu có thân hình bằng sắt con e cậu cũng không chịu nổi đâu . Bố mẹ cứ chờ đấy mà xem…Tuyết cười ra vẻ bí mật.
- Thôi hãy vào nhà cái đã, ngoài này nóng như lửa mà cứ đứng đây cãi qua cãi lại thì không những cậu Hùng sỉu mà cả bố mẹ cũng sỉu luôn bây giờ.
Chị Bạch chỉ đường cho Hùng:
- Hùng đi rửa mặt cho khỏe cái đã, nhất là gột cho bớt bụi đường để còn thưởng thức tài nấu nướng của cháu gái. Lần đầu cháu trổ tài đấy, mấy bữa mẹ nhờ một tí thì nhảy đong đỏng: “Con mà nấu ăn thì chỉ có món rau luộc và trứng tráng” Hôm nay lại tình nguyện đi chợ rồi chui vào bếp hì hục nấu nướng. Không biết cô cháu gái cho cậu thưởng thức nồi cơm “trên sống dưới khê tứ bề nát bét…” không đây!
Hùng cảm thấy thật hạnh phúc, niềm hạnh phúc đã bị tước đoạt từ ngày cả quê hương rơi vào tay kẻ bạo tàn! Niềm hạnh phúc trong suốt hơn mười năm qua Hùng tưởng như không còn bao giờ tìm lại được. Hùng mong mỏi tới giờ phút gặp lại mẹ và người anh, cộng thêm niềm hy vọng mong manh gặp lại tình yêu của Tường Vy.
Vừa ngồi xuống trước cái bàn bày la liệt món ăn thì Tuyết đã la oai oải
- Cậu Hùng tham ăn quá, cháu còn món quà đặc biệt dành cho cậu nữa?
Chị Bạch mắng yêu con gái:
- Gớm cái con bé này hôm nay sao mà lanh chanh bày ra lắm trò thế. Đâu quà gì con dành cho cậu Hùng thì mang ra mau lên. Mẹ đói rồi đây này. Me đang muốn thưởng thức tài nấu nướng của con gái mẹ đây.
- Quà của cậu Hùng con để trong phòng của con. Quay qua Hùng Tuyết cười bí mật: Cháu đang “đánh lộn” với mấy món ăn, mẹ chỉ phòng con để cậu vào lấy quà con dành cho cậu.
Chị Bạch vừa chỉ cho Hùng phòng của Tuyết vừa mắng yêu con gái:
- Gớm cái con bé này hôm nay bày lắm trò thế không biết.
Hùng bước vào phòng cô cháu gái. Vừa đẩy cửa bước vào Hùng đứng lại như một pho tượng đá, há hốc miệng ngạc nhiên: Tường Vy đang đứng lau nước mắt ngã vào vòng tay của Hùng vừa kịp dang ra.
Tường Vy lấy lại bình tĩnh và rời khỏi vòng tay Hùng nức nở,
- Em rất mừng gặp lại anh hôm nay. Anh đã thoát khỏi vòng ngục tù nghiệt ngã tới bến bờ tự do. Có điều đau khổ của riêng em là em không còn xứng đáng với tình yêu của anh nữa.
Hùng kéo Tường Vy trở lại vòng tay thầm thì:
- Điều gì đã xảy ra mà em nói vậy. Suốt hơn mười năm qua lúc nào hình bóng em vẫn là lẽ sống trong anh. Hay em đã có tình yêu khác, nghĩa là em đã có gia đình rồi?
- Không! Em chưa bao giờ kết hôn với bất cứ người nào cả. Trong đời em chỉ yêu một mình anh, và chỉ một mình anh.
- Nhưng điều gì ngăn trở tình yêu chúng mình. Điều gì xảy ra để em nói không còn xứng đáng với tình yêu của anh nữa?
Tường Vy khóc nức nở trong vòng tay người yêu:
- Em không còn trong trắng nữa, em đã có một đứa con! Đứa con của oan nghiệt…
- Vy nói gì anh không hiểu. Điều quan trọng bây giờ là em chưa có gia đình và nhất là em vẫn còn yêu anh như ngày xưa. Tất cả những chuyện khác đều không quan trọng.
- Em chỉ có một tình yêu dành cho anh và chỉ một mình anh. Trong chuyến vượt biên con tàu đã gặp hải tặc Thái Lan hai lần. tất cả những phụ nữ trên tàu đều bị hãm hiếp và em đã phải mang trong minh đứa con oan nghiệt. Mọi người khuyên em phá thai, nhưng em không thể giết chết một bào thai có giòng máu của em trong đó nên em đã cắn răng chịu đựng. Bào thai đã cho em một đứa con gái, may mắn một điều là nó giống em như đúc, rất ngoan. Bây giờ nó đã tròn sáu tuổi.
Hùng xót xa siết chặt tấm thân mảnh mai của Tường Vy thì thầm bên tai người yêu:
- Anh là một người lính, lúc nào cũng cận kề với cái chết rình rập. Bao nhiêu người lính và bạn bè trút hơi thở cuối cùng trên tay anh, anh cũng không còn nhớ. Tai anh vẫn còn vang vọng lời trăn trối gửi về cha mẹ, anh em, bạn bè và cả người con gái đang mòn mỏi đợi chờ. Tình yêu luôn là vật quý giá nhất trong đời anh ngoài ra tất cả chỉ là phụ thuộc. Anh trân trọng tình yêu của em đã dành cho anh ngay từ nhũng ngày đầu. Niềm đau của em là niềm đau của cả dân tộc, không phải của riêng một ai. Chính anh, những người lính đã không làm tròn trách nhiệm bảo vệ cho nước cho dân thì làm sao anh trách em được. Con em cũng là con anh, em đừng mặc cảm gì về chuyện này. Tình yêu em dành cho anh vẫn trọn vẹn và anh luôn luôn yêu em.
Tường Vy nằm gọn trong vòng tay người tình, úp mặt vào lồng ngực Hùng như thầm cám ơn những lời an ủi.
Vừa lúc đó chị Bạch gọi ra ăn cơm. Khi Hùng dìu Tường Vy ra phòng khách anh chị Bạch chưng hửng và mừng rỡ.
- Ồ đây chính là món quà Hùng mong mỏi nhất mà Tuyết đã tặng cho cậu Hùng. Hai em ngồi xuống đi, gớm chị đói muốn bủn rủn cả tay chân rồi đây này. Hai đứa hú hí gì trong đó mà lâu thế.
Tấn chống chế cho hai em
- Có gì mà mẹ nó phải ngạc nhiên, thì cũng như mẹ nó vắng anh lâu ngày gặp lại thôi, chứ có lạ lùng gì!
Chị Bạch nguyét yêu chồng tủm tỉm cười chữa thẹn,
- Nỡm, làm như báu lắm không bằng…
- Chẳng báu gì, mới đi công tác xa vài ngày mà đã cuống cả lên rồi không nhớ sao. Có đúng vậy không Hùng?
Bữa ăn rôm rả tiếng cười nói vui vẻ. Thôi thì đủ chuyện trên trời dưới đất của mười mấy năm xa cách.
Trong bữa ăn Tường Vy đã kể lại chuyến vượt biên kinh hoàng mà nàng đã trải qua: “Vì em không quyết định ra đi ngay từ lúc đầu, cứ mãi chờ tin tức của anh Hùng. Em biết đơn vị của anh Hùng đã về tới Vũng Tàu, nhưng Long Thành đã bị cộng quân chiếm đóng nên em không ra Vũng Tàu được, đành phải về nhà ông bác ở để chờ đợi. Căn nhà cũ của gia đình em đã bị chiếm ngụ ngay khi gia đình bỏ đi. Em tin thế nào anh Hùng cũng về đó kiếm em nhưng em không biết phải làm thế nào. Em có về nhà và gặp người đang chiếm căn nhà của em. Chẳng ai xa lạ, người chiếm căn nhà của gia đình em chính là gã du đãng ở đầu hẽm. Từ lâu tên này đã chọc ghẹo em một cách rất suồng sã và bị em cự tuyệt. Em không còn biết cách nào để nhăn tin lại cho anh Hùng.
Gia đình bác em thấy không thể sống trong vòng cương toả của cộng sản, nhất là gia đình bác là thành phần di cư, trốn chạy cộng sản vào Nam năm 1954. Tới năm 1979 em theo gia đình bác em trong một chuyến vượt biên. Chuyến vượt biên xuất phát từ Mỹ Tho do gia đình bạn bác em tổ chức.
Con tàu vượt biên khá lớn và chỉ chở khoảng trên ba chục người đã ra khơi an toàn. Qua ngày thứ hai gặp bão, mưa và sóng lớn. Mọi người trên tàu không quen sóng gió nên tất cả nôn thốc nôn tháo nằm rã rượi dưới khoang. Người tài công là một sỹ quan Hải Quân nhưng đã không điều khiển được con tàu nhắm hướng Mã Lai trong cơn mưa bão. Qua sáng ngày hôm sau thì bị cướp biển Thái Lan. Chúng lột sạch tất cả vàng bạc của mọi người trên tàu. Chúng khám xét không còn chỗ nào kể cả những chỗ kín trên thân thể. Không có một người phụ nữ nào trên tàu không bị hãm hiếp! Sau đó chúng nhảy sang tàu của chúng và biến mất trong đại dương mênh mông.
Lúc đó em như một xác chết với những nỗi đau đớn về cả tinh thần lẫn thể xác! Em hối hận vì đã không dâng hiến đời mình cho anh Hùng, người em yêu thương! Tai nạn vẫn chưa dứt với những con người khốn khổ phải bỏ đất nước ra đi. Ngay buổi chiều hôm đó lại gặp cướp biển lần thứ hai. Nhưng còn gì đâu để cướp, tất cả đã bị vét sạch ngay từ lần đầu. Chúng tức giận điên cuồng nên nhắm vào những người phụ nữ trên tàu hành hạ. Em bị ngất sỉu không còn biết gì nữa. Khi em tỉnh lại mới biết bọn cướp đã phá máy tàu và mang đi toàn bộ thực phẩm cũng như nước uống. Chúng cướp hết cả quần áo vì nghĩ rằng vàng bạc còn giấu trong đó.
Con tàu lúc này như một chiếc lá bập bềnh trôi giữa biển khơi! Nhưng Trời Phật đã dành cho những con người khốn khổ một cửa sinh. Bước qua ngày thứ năm, tất cả mọi người trên tàu đều đói khát nằm co quắp dưới sàn tàu chờ chết. Còn lại chút nước tất cả mọi người đều đồng ý dành cho mấy cháu bé. Vừa lúc đó con tàu cứu tinh đã xuất hiện, một con tàu của Hải Quân Hoa Kỳ.  May mắn là người sỹ quan Hải Quân đã du học Mỹ nên ông đã kịp thời gửi tín hiệu SOS để xin cứu giúp. Một chiếc ca- nô được hạ xuống chở qua nước uống và thức ăn. Họ còn cẩn thận gửi qua một quân y sỹ nữa.
Vị thuyền trưởng cho biết là họ không được phép chuyên chở người tỵ nạn, chỉ có thể kéo con tàu vào gần bờ biển Mã Lai trước khi về căn cứ ở Okinawa, Nhật bản. Thế là tất cả mọi người thoát chết, nhưng vết thương trên cơ thể của những người phụ nữ khốn khổ thì mãi như một vết sẹo không thể lành lại được!
Hơn một tuần sau người anh lớn mới dẫn mẹ của Hùng từ Tiểu Bang Florida qua. Niềm vui cứ tràn ngập trong cuộc sống của Hùng. Mẹ Hùng khóc nức nở khi vừa nhìn thấy mặt con. Cụ mếu máo:
- Ngày đêm mẹ cầu xin trời phật cho con tai qua nạn khỏi. Bây giờ gặp lại con còn mạnh khỏe mẹ mừng quá. Thôi lo làm ăn rồi còn kiếm vợ để cho mẹ có cháu bế nữa chứ. Mấy đứa cháu con thằng anh mày nó to kềnh to càng, thoáng thấy tụi nó khoanh tay chào bà nội xong là rút vào phòng riêng. Tụi nó cứ líu lo tiếng Anh tiếng Mỹ với nhau, mẹ có hiểu gì đâu.
Hùng giắt tay Tường Vy đến trước mặt mẹ giới thiệu:
- Thưa mẹ và anh, đây là Tường Vy. Chúng con đã yêu thương nhau từ mười mấy năm trước, rồi mỗi người một phương. Chúng con xin phép mẹ được sống chung.
Bà cụ mếu máo cảm động:
- Mẹ rất mừng biết được các con thương yêu nhau như vậy. Để rồi mẹ sang bên nhà gặp bố mẹ cháu Vy để xin cháu về làm dâu con trong nhà.
- Thưa mẹ, con xin phép được gọi như vậy. Bố mẹ con đã mất mấy năm trước đây rồi. Các anh chị con đều đã có gia đình riêng. Nếu được phép của mẹ chúng con sẽ tới chùa để xin làm lễ hôn phối. Mẹ già rồi đi lại khó khăn, chúng con không dám làm phiền mẹ.
Bà cụ nắm tay Tường Vy một cách âu yếm,
- Tội nghiệp con. Các con tính vậy cũng được. Nhân tiện mẹ và anh con sang đây mấy ngày, các con tính toán cho xong đi để mẹ yên lòng. Tụi mày lớn cả rồi, cứ hẹn hò miết không tốt đâu. Các cụ xưa chả thường nói “Cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha” là gì.
- Thật tệ! Gặp em mừng quá quên cả bạn bè. Thằng Vượng bây giờ ra sao, có mấy nhóc rồi em?
Tường Vy nguýt Hùng rồi nắm tay bà cụ méc:
- Mẹ thấy không, có đời nào mà em rể cứ gọi anh vợ là thằng này thằng nọ bao giờ không? Từ trước đến giờ anh Hùng lúc nào cũng ăn hiếp con.
- Thì nó là con út nên ở nhà đâu có ai để nó bắt nạt. Thằng anh nó giống tính bố lúc nào cũng chững chạc, chẳng lẽ nó bắt nạt mẹ. Hồi còn nhỏ nó cũng bắt nạt mẹ dữ lắm. Từ nhà đến trường cách có một con phố mà sáng nào cũng bắt mẹ phải dẫn đi học. Hôm nào mẹ bận không đi được là y chang cu cậu giận hờn.
Bà cụ cười hiền hậu tiếp
- Bây giờ nó có con để bắt nạt, mẹ cũng được yên tâm với tuổi già.
Hùng âu yếm nắm tay Tường Vy cười hạnh phúc. Sau những năm tháng dài nghiệt ngã, Hùng không ngờ được là giờ này còn…
Ngũ Lang
nguồn Sáng tạo

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts